PhươngTùng.Blog
___@@@@@ TOÀN TẬP ĐỊA CHỈ WEBSITE @@@@@@___
CHÚC MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 5 CỦA PHƯƠNG TÙNG-HAPPY BIRTHDAY TO YOU!

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

Những lời khuyên dành cho mẹ và bé

Khi mọi người đến thăm con bạn, nên tránh cảnh bé bị "chuyền" từ tay người nọ sang tay người kia

Những lời khuyên dành cho mẹ và bé dưới đây rất hữu ích, giúp cho mẹ khỏe mạnh, và con thông minh hơn qua những bài học đơn giản từ những năm đầu tiên khôn lớn.

Mẹ - Bài tập để giữ gìn đôi mắt

Không chỉ riêng gì cơ thể, mắt cũng cần được thường xuyên luyện tập. Hơn nữa bạn có thể "tập thể dục đôi mắt" ngay bên bàn làm việc, trên ô tô hay ở nhà. Thời gian cũng không tốn nhiều, chỉ cần hai lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 10-15 phút. Hãy ngồi trong tư thế thoải mái, thư giãn, tập trung nghe hơi thở của mình.

Bạn phải thở êm và sâu. Mắt nằm cách xa tim và phổi, bởi thế mắt hay bị thiếu ôxy, và khi đó chúng ta thấy mọi vật xung quanh mờ hơn bình thường. Nhờ có các bài tập chuyên cho mắt mà chúng ta sẽ đỡ mỏi mắt hơn khi làm việc nhiều trước màn hình máy tính, khi đọc sách lâu hay khi làm việc với những vật dụng kích cỡ nhỏ.

Nhìn chăm chú vào đầu mũi của mình trong vòng một phút. Khi mắt bị căng ra và mỏi mệt, bạn hãy dùng hai bàn tay che mắt trong khoảng hai phút, sau đó chớp mắt liên tục chừng 10 lần.

Liếc qua liếc lại để viết được chữ X bằng ánh mắt. Viết như vậy 3 lần. Sau đó thư giãn. Liếc qua liếc lại để vẽ được các vòng tròn bằng ánh mắt. Vẽ 3 vòng tròn bên phải và 3 vòng tròn bên trái.

Đưa tay trái về phía trước trong khoảng cách 30cm. Tập trung nhìn vào đầu ngón tay trỏ, sau đó chuyển hướng nhìn rất nhanh vào một vật gì đó cách bạn 3m. Cứ thế đổi ánh mắt trong vòng 10 lần, nhìn xa rồi lại nhìn gần.


Bạn có thể "tập thể dục đôi mắt" ngay trên bàn làm việc, khi chơi với con hoặc ở nhà

Trẻ sơ sinh - Buổi gặp mặt đầu tiên

Sinh hạ một đứa con không chỉ là niềm vui của bạn và chồng bạn. Hẳn ông bà nội ngoại và họ hàng, người thân cũng đều mong ngóng tới ngày được tận mắt trông thấy bé, được hồ hởi chúc mừng vợ chồng bạn. Để buổi gặp mặt diễn ra tốt đẹp, bạn cần lưu ý vài điểm sau đây:

Những ngày đầu tiên sau khi sinh, bé còn rất yếu ớt, bản thân bạn cũng mệt mỏi sau cơn vượt cạn, cả gia đình nhỏ bé của bạn đang còn bối rối làm quen dần với hoàn cảnh mới.

Bởi vậy nếu có thể tốt nhất nên tổ chức cho người thân và bạn bè tới thăm cháu sau một hai tuần. Nhưng nếu mọi người nóng lòng quá thì hãy mời theo từng nhóm nhỏ (không quá hai - ba người mỗi lần).

Đừng quên rằng khách khứa không chỉ làm bé mệt mỏi, mà còn có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hãy yêu cầu mọi người rửa tay sạch sẽ trước khi bế bé. Nếu ai đó bị cảm hoặc khó ở, không nên cho tới gần giường bé.

Thời gian tốt nhất cho mọi người tới nhà thăm bé là sau giờ ăn trưa, lúc đó bé vừa bú no và đang lim dim ngủ, như vậy bạn có thể bế bé và nói chuyện với mọi người, tránh cảnh bé bị "chuyền" từ tay người nọ sang tay người kia.

Mách nhỏ rằng những ngày đầu làm mẹ, bạn hoàn toàn không phải xấu hổ nếu mua đồ ăn sẵn để tiếp khách hay nhà cửa có đôi chút bừa bộn.

Trẻ 1 tuổi - Niềm vui khám phá của bé

Đối với trẻ ở độ tuổi này có rất nhiều trò chơi mà bạn có thể tự nghĩ ra để phát triển trí tuệ cho bé. Ví dụ trò tìm đồ chơi. Đầu tiên, ngay trước mặt bé, bạn giấu một đồ chơi gì đó dưới một trong hai chiếc tã.

Bé bắt đầu lục tìm rất chăm chú xem đồ chơi vừa biến đâu mất. Sau đó bé sẽ lật đúng chiếc tã có đồ chơi nằm ở dưới và cười sung sướng vì tìm đúng. Bạn lại tiếp tục giấu, và lần nào cũng đặt đồ chơi vào dưới một chiếc tã nhất định. Sau đó, cũng ngay trước mắt bé, bạn giấu đồ chơi vào chiếc tã khác.

Mặc dù trước đó bé đã theo dõi và biết rằng đồ chơi được giấu vào đâu, song bé vẫn tiếp tục tìm ở chỗ cũ, bởi vì trí nhớ của bé đã ghi nhận lại như vậy. Nhưng chỉ một vài lần như vậy, bé sẽ biết tìm ở đúng chỗ bạn giấu, thậm chí bé còn biết để ý rằng đồ chơi sẽ lồi lên dưới chiếc tã, và suy luận đúng cần tìm ở đâu.


Đối với trẻ 1 tuổi có rất nhiều trò chơi mà bạn có thể tự nghĩ ra để phát triển trí tuệ cho bé, ví dụ trò tìm đồ chơi

Hay cũng có thể chơi trò ú tim với bé, giả vờ ngồi thụp xuống đầu giường để bé không nhìn thấy rồi đột ngột xuất hiện. Bé sẽ cười toe toét sung sướng vì thấy lại khuôn mặt của mẹ giống hệt với hình ảnh bé nhìn thấy trước khi mẹ "tàng hình".

Trẻ 2 tuổi - Đôi tay không biết nghe lời

Nếu bé luôn làm hỏng đồ vật hoặc làm người khác bị đau, bạn hãy cùng bé chơi một trò chơi như sau: cho bé đặt bàn tay lên tờ giấy trắng và vẽ lại hình dáng bàn tay bé. Sau đó cùng trang trí hình vẽ, sao cho bàn tay sinh động như một con người, có mắt, có miệng, còn các ngón tay thì tô màu khác nhau. Bây giờ thì có thể nói chuyện với bàn tay.

Nếu lúc đầu bé không thích, bạn hãy tự bắt đầu một mình với những câu hỏi: "Bạn là ai thế? Bạn tên gì? Bạn thích làm gì? Bạn không thích làm gì?". Và phải nhấn mạnh rằng tay là "người tốt", tay biết làm nhiều thứ (liệt kê ra những việc tốt), nhưng đôi khi tay không nghe lời chủ nhân.

Và cuối cùng hãy thỏa thuận với tay rằng trong vòng 2-3 ngày tới, tay sẽ cố gắng làm toàn việc tốt như vẽ, bắt tay người khác, xếp hình, và không làm người khác đau. Một thời gian sau bạn lại rủ cho chơi trò này, và đừng quên khen đôi bàn tay của chủ nhân ngoan biết bao.

Trẻ 3 đến 5 tuổi - Hiệu ứng "chiếc gương mèo"

Ở độ tuổi này, trẻ em có những biểu hiện trong cách đối xử với bạn bè khiến người lớn cảm thấy rất ngạc nhiên và khó hiểu. Các em vui khi thấy bạn có gì buồn phiền, và ngược lại bực bội khi bạn đạt thành tích.

Nguyên nhân là bởi vì tâm lý đặc biệt của lứa tuổi, gọi là tâm lý ganh đua. Trẻ cố lục tìm những điểm yếu của bạn, cười khanh khách hài lòng nếu thấy váy bạn bị rách, hay bạn trượt chân ngã. Không phải bởi bé độc ác, mà chỉ bởi bé rất mong muốn mình là người giỏi nhất, tốt nhất.

Nên giúp bé vượt qua khỏi hiệu ứng "chiếc gương mèo", khi bé nhìn nhận nhược điểm của người khác là ưu điểm của mình. Buổi tối ở nhà, bạn hãy khen ngợi bạn bè của bé, cùng bé nhớ lại những lúc bạn đã giúp đỡ bé hoặc thương bé khi bé ngã.

Đồng thời cũng đừng quên khen con mình. Hãy mời bạn bè của bé tới nhà chơi, như vậy bé của bạn sẽ thành trung tâm của sự chú ý, và dần dần bé sẽ biểu lộ những tính cách tốt đẹp của mình.

Trẻ 6 đến 8 tuổi - Cùng đi thăm bác sĩ nha khoa nào

Các bác sĩ nha khoa có một từ chuyên môn gọi là "sâu răng tăng liều" và hiện tượng này đặc biệt rõ rệt ở trẻ em. Người lớn có thể để chiếc răng sâu vài tháng, không đi khám và chữa, nhưng lỗ sâu răng không rộng ra, trong khi ở trẻ em thì ngược lại. Bé đang trong lứa tuổi phát triển nhanh nên cần rất nhiều canxi.

Những lỗ sâu răng rộng ra rất nhanh (do cấu tạo đặc biệt của răng sữa), bởi thế răng sâu của trẻ phải được chữa trị ngay lập tức, để tránh nguy cơ răng sâu biến thành ổ nhiễm trùng. Các bác sĩ nha khoa khuyên trẻ nên đi khám răng 4-5 lần mỗi năm.

=>

(Theo Mẹ và bé)
Việt Báo (Theo_24h)

1 nhận xét:

Unknown nói...

một vài tình trạng bệnh da liễu tồn tại vĩnh viễn trên da thường trải thông qua những thời kỳ hoặc chu kỳ với các dấu hiệu. một số tình trạng chẳng thể chữa khỏi nhưng có thể thuyên giảm. mặc dù vậy, bệnh viện da liễu ở Trà Vinh khuyên bạn nếu như bạn bị stress, hoặc mắc một số căn bệnh khác, hoặc bị lao lực thì bệnh có thể tái phát.nếu da bị đau, bạn có thể sẽ được chuyên gia chỉ định dùng thuốc bớt đau. Trong tình trạng da bị lở loét, tổn thương, hoặc bệnh dễ lây truyền, có thể b.sĩ sẽ cho thuốc mỡ để thoa cùng với băng gạc để đắp kín.